Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 17/11 đã nhận định việc xây dựng Chính phủ điện tử là 1 trong 3 vấn đề thuộc lĩnh vực TT&TT được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều hạn chế và cần phải làm tốt hơn. Xoay quanh vấn đề này, để thông tin rõ hơn cho bạn đọc về Chính phủ điện tử, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với bà Đỗ Thanh Huyền - Chuyên gia phân tích chính sách công của UNDP.
Bà Đỗ Thanh Huyền - Chuyên gia phân tích chính sách công tại UNDP
- Thưa bà, bà có thể giải thích một cách khái quát nhất thế nào là Chính phủ điện tử?
Chính phủ điện tử có 4 tương tác mà người dân mong đợi từ một chính phủ hoạt động trên nền tảng sử dụng internet để thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan chính phủ. Chỉnh phủ điện tử là hoạt động của chính phủ dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Tất cả các hoạt động của cơ quan chính phủ các cấp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, giúp giảm thiểu chi phí, tăng phần tương tác hoặc cung ứng dịch vụ nhanh nhạy hơn. Khía cạnh quan trọng khác đó là hướng tới một chính phủ nhỏ, xã hội lớn, tức là bộ máy chính quyền không lớn nhưng vẫn đảm bảo được những chức năng cần thiết của một bộ máy chính phủ.
Chính phủ điện tử có 4 mối quan hệ tương tác rất quan trọng.
Thứ nhất là mối quan hệ tương tác giữa các cơ quan ban ngành với nhau. Quan hệ tương tác thứ hai là giữa lãnh đạo cơ quan chính phủ với các nhân viên chính phủ, tức là tăng trách nhiệm giải trình bên trong nội bộ cơ quan chính phủ, đồng thời tăng cường giám sát công chức viên chức trong bộ máy. Tương tác thứ ba là giữa chính phủ với người dân, đây là hợp phần lớn nhất liên quan đến mối quan hệ bộ máy chính quyền các cấp với người dân thông qua nền tảng internet và công nghệ thông tin. Thứ tư là tương tác giữa chính phủ với doanh nghiệp, với các tổ chức.
Đây là những đặc trưng lớn nhất của chính phủ điện tử nhưng một trong những hạn chế của chính phủ điện tử là không phải ai cũng có internet, ai cũng có thể truy cập internet, ví dụ như nhóm người khuyết tật sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng. Trong trường hợp từ phía các cơ quan chính phủ không chủ động cung ứng dịch vụ cho các nhóm đối tượng đặc biệt như vậy hoặc nhóm người sử dụng ngôn ngữ bản địa, đồng bào dân tộc thiểu số thì họ cũng khó tiếp cận với các dịch vụ của chính phủ điện tử. Đây chính là hạn chế của chính phủ điện tử cần giải quyết để làm thế nào có thể đảm bảo được sự công bằng tiếp cận thông tin cho tất cả người dân.
- Hiện nay chính phủ Việt Nam đã có động thái như thế nào về việc triển khai chính phủ điện tử, thưa bà?
Theo tôi với những kêu gọi chung của Chính phủ hiện nay từ việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, việc kiến tạo đòi hỏi Chính phủ phải đa dạng hóa mô hình, hình thức chia sẻ thông tin để tăng cường tương tác, cung ứng dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là cuộc chạy đua theo cách mạng công nghệ 4.0. Đấy là mục tiêu hướng tới rất là xa. Với những gì ngôn cảnh hiện nay đang diễn ra nó cảm giác như đến gần nhưng thực tế đó là tiên trình rất lâu dài. Theo tôi đó là một bước tiến rất quan trọng. Nhưng ngược lại việc điện tử hóa tất cả các giao dịch thì chính phủ cũng phải lưu ý tới nhóm người yếu thế, khó khăn trong tiếp cận thông tin.
- Vậy, theo bà, vấn đề công khai minh bạch trong Chính phủ điện tử sẽ được thể hiện như thế nào?
Hiện nay nhiều người cảm giác việc công khai minh bạch mang tính chất sáo ngữ nhiều hơn là mang tính chất thực tiễn vây thì làm thế nào để chuyển những sáo ngữ đó thành thực tiễn thì rõ ràng những bước đi đó rất là dài. Tuy nhiên thì vai trò của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc giám sát những gì chính phủ hứa sẽ làm là rất quan trọng.
Việc hướng tới Chính phủ điện tử, hướng tới quản trị điện tử thì phải thúc đẩy được việc công khai minh bạch, thúc đẩy trách nhiệm giải trình, thúc đẩy sự tham gia giám sát của cộng đồng DN và người dân. Trong trường hợp người ta nói chính phủ với tư cách là người quản lý không thôi thì không đủ. Bởi vì người quản lý chỉ mang tính chất một chiều, “tự đá bóng thổi cỏi” chính phủ cung cấp cái gì thì người dân sử dụng cái đó.
Còn quản trị điện tử thì phải có hai chiều. Trong trường hợp đó, vai trò giám sát và phản biện xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các cơ quan truyền thông là rất quan trọng. Làm thế nào để mình đọc được lộ trình phát triển chính phủ tại Việt Nam, theo dõi xem tiến trình ấy được thực hiện như thế nào, đặc biệt là khi có luật tiếp cận thông tin có hiệu lực từ 1/7 năm 2018. Nếu như trong trường hợp chính phủ vào thời điểm đó không cung ứng đầy đủ thông tin theo luật định thì báo chí, người dân và cộng đồng DN sẽ có tiếng nói như thế nào?
Ở đây tôi muốn nói phải có vai trò chủ động của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và báo chí chứ không thể để một người cung ứng làm việc đó thì đấy là một trong những biện pháp để thúc đẩy công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính phủ trong bước đường hướng tới chính phủ điện tử.
- Xin cảm ơn bà!