Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước, dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan Nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Các dịch vụ công trực tuyến này mang lại vô vàn những lợi ích cho cơ quan Nhà nước và công dân, doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hòa Bình ông Nguyễn Hoàng Thư cho biết: Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị Nhà nước đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Để tiết kiệm thời gian đi lại và chi phí văn phòng, toàn tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức hội nghị trực tuyến, phục vụ hiệu quả các cuộc họp trực tuyến của UBND tỉnh với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, giúp công tác chỉ đạo, điều hành được kịp thời, chính xác nhất.
Đến nay, phần mềm văn phòng điện tử cũng đã triển khai sử dụng tại 100% sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, bước đầu mang lại những kết quả tích cực trong công tác quản lý và điều hành góp phần tạo môi trường làm việc hiện đại, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí giấy tờ văn phòng phẩm. Hiện, một số sở, ngành triển khai tốt việc xử lý văn bản đến, đi trên phần mềm quản lý văn bản là các Sở: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường; các huyện Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn, thành phố Hòa Bình. Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thực hiện các phương án kỹ thuật để kết nối liên thông thử nghiệm phầm mềm văn phòng điện tử của tỉnh với phần mềm của Văn phòng Chính phủ. Theo kế hoạch, đến hết tháng 6/2016 chính thức kết nối phần mềm trên cả nước qua trục liên thông phần mềm Chính phủ.
Bên cạnh đó, hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được sử dụng hiệu quả. Dịch vụ công trực tuyến gồm có 4 mức độ thì tất cả các đơn vị trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã cập nhật dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2; 100% cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã được cấp địa chỉ điện tử công vụ để trao đổi thông tin và gửi, nhận văn bản điện tử. Các cơ quan, đơn vị đều thiết lập địa chỉ thư chính thức để làm đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Hiện, chữ ký số đã được tích hợp vào phần mềm văn phòng điện tử và hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh để phục vụ cho quá trình trao đổi văn bản điện tử. Chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp đã được bàn giao cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố sử dụng trong giao dịch điện tử nhằm đảm bảo tính pháp lý của văn bản điện tử khi trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, tình hình sử dụng chữ kỹ số trong công tác chỉ đạo, điều hành tại các đơn vị còn hạn chế. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác sử dụng các phần mềm khác khi cần phải áp dụng chữ ký số để thực hiện các giao dịch điện tử giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Trước tình hình đó, toàn tỉnh duy trì trang thông tin điện tử của 21/21 sở, ban, ngành và 11/11 huyện, thành phố. Các trang thông tin điện tử đã cung cấp đầy đủ thông tin và dịch vụ công trực tuyến mức 1,2 tạo môi trường giao tiếp thuận tiện, công khai, minh bạch giữa các cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, phần mềm một cửa điện tử hiện đang được thực hiện tại UBND huyện Lương Sơn và thành phố Hòa Bình đã triển khai giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính ở 5 lĩnh vực: tài nguyên - môi trường, quản lý đô thị, tài chính kế hoạch, LĐ-TB&XH, tư pháp, hộ tịch. Số lượng hồ sơ tiếp nhận trung bình 75.000 hồ sơ/năm, bước đầu đã phát huy hiệu quả và nhận được những đánh giá, nhận xét tích cực từ người dân, doanh nghiệp.