CloudOffce
HOTLINE: 1900 4767
|
Tin tức & sự kiện

Hội nghị trực tuyến Tin học – thống kê ngành Tài chính xoay quanh vấn đề xây dựng Bộ Tài chính điện tử

Sáng ngày 24/5, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Hội nghị trực tuyến Tin học – Thống kê ngành Tài chính lần thứ 5 đã diễn ra tại 63 điểm cầu. Hội nghị do Bộ Tài Chính tổ chức với chủ đề “Xây dựng Bộ Tài chính điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp”. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai; Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm; Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Phúc; Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Lê Mạnh Hà... cùng đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Tài chính, các sở, lãnh đạo cấp phòng và cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) thuộc hệ thống các cơ quan  ngành Tài chính tại 63 tỉnh, thành phố.

Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết đánh giá công tác triển khai ứng dụng CNTT và thống kê giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020, xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tài chính; đồng thời là diễn đàn để trao đổi các nội dung nhằm đẩy mạnh triển khai công nghệ thông tin và thống kê của các cơ quan tài chính địa phương; tăng cường ổn định chức năng, nhiệm vụ tin học và thống kê tài chính địa phương.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị và cho rằng, hội nghị là một sự kiện quan trọng trong quá trình ứng dụng CNTT để hiện đại hóa ngành Tài chính, khẳng định ngành Tài chính sẽ tập trung phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bộ trưởng cũng khẳng định, trong giai đoạn vừa qua (từ năm 2011 đến 2016), ngành Tài chính đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đạt được những thành tựu đó, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của hệ thống tin học và thống kê ngành Tài chính.

Đến nay, CNTT đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành "mạch máu" của các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt như: Quản lý điều hành ngân sách nhà nước; quản lý thu-chi ngân sách nhà nước; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ; quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý nợ công; quản lý giá, quản lý tài sản công; quản lý, giám sát thị trường tài chính; quản lý dự trữ nhà nước....; cùng các nhiệm vụ quản lý nội ngành.

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mong muốn các đại biểu tập trung trao đổi, cung cấp thông tin, thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai vừa qua và cùng nhau bàn về các giải pháp cụ thể trong việc phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian tới, trong đó tập trung vào các nội dung sau:

Một là, xây dựng các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường chia sẻ thông tin đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng thông tin tài chính cho người dân và toàn xã hội, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hai là, xây dựng các hệ thống ứng dụng cốt lõi và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo công nghệ hiện đại phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành của các cấp trong ngành Tài chính. 

Ba là, xây dựng, khai thác, sử dụng hiệu quả các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ ngành Tài chính, ưu tiên các phần mềm quản lý công việc, quản trị văn phòng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, nâng cao năng suất hiệu quả công việc.

Bốn là, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin trong ngành theo các công nghệ hiện đại phù hợp với yêu cầu triển khai trong từng giai đoạn.

Năm là, đảm bảo an ninh an toàn cho hoạt động của các hệ thống thông tin ngành Tài chính trên các phương diện: thể chế, phương án kỹ thuật và quản lý vận hành.

Sáu là, đảm bảo điều kiện, năng lực (về hạ tầng kỹ thuật công nghệ, về nhân sự triển khai) đồng bộ, thống nhất tại các cơ quan trung ương và các cơ quan tài chính địa phương đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghiệp vụ tài chính.

Bảy là, đổi mới công tác quản lý đầu tư, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin ngành Tài chính đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện đại hóa ngành.

Ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính Báo cáo kết quả công tác ứng dụng CNTT và thống kê ngành Tài chính giai đoạn 2011-2016, kế hoạch giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo tại hội nghị, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính - Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2011-2015 và năm 2016, ngành Tài chính đã tập trung vào việc hoàn thiện và triển khai rộng các hệ thống lớn, xử lý dữ liệu tập trung, sử dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, phần mềm quản lý văn phòng thông minh, ứng dụng CNTT gắn liền với cải cách cơ chế tài chính, tái cơ cấu lại các quy trình nghiệp vụ theo thông lệ quốc tế. Công tác ứng dụng CNTT ngành Tài chính đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Thứ nhất, ngành Tài chính đã đẩy mạnh cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công trực tuyến cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách, người dân và doanh nghiệp, gắn chặt ứng dụng CNTT trong công tác quản lý tài chính với cải cách thủ tục hành chính. Đến nay, toàn ngành đã xây dựng được một hệ thống Cổng Thông tin điện tử bao gồm Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và 110 Cổng Thông tin điện tử/Trang Thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ (tính đến cấp Cục). Toàn bộ các thủ tục hành chính công, các dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp tập trung, thống nhất trên chuyên trang “Bộ Thủ tục hành chính và Dịch vụ công trực tuyến” trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính. Đến hết năm 2016, tổng số thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 910 thủ tục, trong đó có 104 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 239 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Thứ hai, ngành Tài chính đã tập trung phát triển các ứng dụng phục vụ các nghiệp vụ cốt lõi, tập trung có quy mô toàn quốc, trong đó phải kể đến các hệ thống ứng dụng: Hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung (TMS), hệ thống kê khai thuế điện tử được triển khai và vận hành tại 63/63 cục thuế và toàn bộ các chi cục thuế trực thuộc trên toàn quốc.

Đến cuối năm 2016 đã có 99,64% doanh nghiệp hoạt động sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 93,69% doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử với ngân hàng. Việc triển khai và nâng cấp thường xuyên các ứng dụng phục vụ người nộp thuế đã giúp người nộp thuế có thể khai thác thông tin thuận lợi nhất phục vụ cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tự kê khai, nộp thuế và kiểm soát được tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, đồng thời tránh được rủi ro trong quá trình kinh doanh.

Hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) đã được triển khai áp dụng ổn định từ năm 2012 tại các cơ quan thuộc Bộ Tài chính, các cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện tại 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc, 37 bộ, ngành, 3 sở, ban, ngành của Hà Nội; hệ thống trao đổi thông tin thu nộp thuế đã được triển khai tới các cơ quan tài chính, kho bạc, thuế, hải quan trên phạm vi toàn quốc, hệ thống kết nối thanh toán điện tử với các ngân hàng và phối hợp thu Ngân sách Nhà nước với các ngân hàng thương mại đã được triển khai đến toàn bộ các đơn vị kho bạc trên phạm vi toàn quốc.

Thông qua việc triển khai các hệ thống này đã hỗ trợ rất lớn đối với quá trình cải cách quản lý tài chính công, vừa thúc đẩy, vừa tạo điều kiện cho tiến trình cải cách cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ theo hướng công khai, minh bạch. Khối lượng thu NSNN trực tiếp tại KBNN đã giảm từ 92% tổng số chứng từ năm 2013 xuống còn 20% tổng số chứng từ năm 2016; khối lượng tiền mặt nộp tại KBNN cũng giảm từ 78% tổng số tiền năm 2013 xuống còn 33% tổng số tiền năm 2016. Việc đẩy mạnh kết nối với các ngân hàng đã cung cấp cho người dân, doanh nghiệp một kênh thanh toán an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, tiện lợi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), hệ thống hải quan điện tử đã được triển khai tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc với 100% các quy trình thủ tục hải quan đã được tự động hóa, hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. Việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đã rút ngắn thời gian làm thủ tục Hải quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây, đối với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc.

Thứ ba, Bộ Tài chính đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong xử lý các công việc nội bộ. Đặc biệt, Bộ đã triển khai chương trình quản lý văn bản và điều hành liên thông với hệ thống điều hành văn bản của Văn phòng Chính phủ. Việc triển khai chương trình eDocTC đã góp phần tạo nền tảng bước đầu xây dựng Chính phủ điện tử, giúp Bộ cơ bản thay đổi phương thức làm việc từ xử lý văn bản giấy sang xử lý văn bản điện tử. Bên cạnh đó, toàn thể cán bộ ngành Tài chính đã sử dụng hệ thống email trong công việc và ngành cũng đã triển khai được hệ thống điện tử đa phương tiện hỗ trợ chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính.

Thứ tư, trong giai đoạn 2011-2015, ngành Tài chính tiếp tục duy trì, nâng cấp, bổ sung, mở rộng các hạ tầng kỹ thuật đã thiết lập từ giai đoạn trước, đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng nghiệp vụ theo mô hình tập trung, có quy mô toàn quốc. Tổng cộng, hệ thống hiện gồm 2.827 điểm kết nối và 5.067 kênh truyền, 5 trung tâm dữ liệu; 100% đơn vị cấp Trung ương, tỉnh, huyện có mạng nội bộ và kết nối Internet (trực tiếp hoặc gián tiếp)… Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin được quan tâm một cách toàn diện, mạnh mẽ, không để xảy ra sự cố.

Thứ năm, về tổ chức nguồn lực CNTT, trong giai đoạn vừa qua, ngành đã xây dựng, tổ chức được đội ngũ cán bộ CNTT thống nhất từ trung ương đến địa phương và chú trọng công tác đào tạo về kiến thức tin học cơ bản cho cán bộ nghiệp vụ. Hàng năm, Bộ Tài chính thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo kiến thức tin học cơ bản, các lớp tập huấn sử dụng các ứng dụng tác nghiệp, hướng dẫn khai thác cơ sở dữ liệu cho cán bộ nghiệp vụ đảm bảo toàn bộ cán bộ có đủ kiến thức để sử dụng thành thạo các ứng dụng tác nghiệp phục vụ công tác chuyên môn.

Thứ sáu, ngành đã đầu tư, hỗ trợ cho các Sở Tài chính để nâng cao năng lực CNTT cho các Sở Tài chính địa phương đáp ứng tính đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành.

Với nỗ lực triển khai, đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT, 4 năm liên tiếp (2016, 2015, 2014, 2013) Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong bảng xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index) đối với khối Bộ, ngành cơ quan Trung ương.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử xây dựng hệ thống CNTT đồng bộ giữa cơ quan tài chính các cấp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, công khai, minh bạch hoạt động trên môi trường mạng phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ.

Trụ sở Hà Nội
Số 11 Đặng Thùy Trâm - Hoàng Quốc Viêt - Cầu Giấy - Hà Nội.
Điện thoại: 04.37545222, FAX: 04.37545223
Chi nhánh TP.HCM
33A - Cửu Long - F.2 -Tân Bình - TP.HCM.
Điện thoại: 08.35470355. FAX: 08.35470356
Chi nhánh Đồng Nai
93/75 Đồng Khởi - Tân Phong - TP.Biên Hoà - Đồng Nai.
Điện thoại : 0618.871868, Fax: 0618.871866
Chi nhánh Đà Nẵng
36 Đào Duy Từ - Thanh Khê - TP.ĐÀ NẴNG.
Điện thoại : 0511.3868363, Fax: 0511.3868364
Chi nhánh Bình Dương
B4-08 Cao ốc BICONSI, Yersin - Thủ Dầu Một - Bình Dương.
Điện thoại : 0650.3848886, Fax: 0650.3848882
Tư vấn, hỗ trợ 24/7
1900 4767
2024 © Xây dựng bởi Công ty phát triển công nghệ Thái Sơn