CloudOffce
HOTLINE: 1900 4767
|
Tin tức & sự kiện

Làm việc từ xa trong câu chuyện làng báo

Từ câu chuyện trong làng báo, có thể lạm bàn qua một số lĩnh vực khác. Có những vị trí, công việc trong một số lĩnh vực không nhất thiết đòi hỏi phải “chấm công nhau” hàng ngày. Bài học triết lý của thế kỷ này là không hề có một khuôn mẫu chung nào cho tất cả.

>> Xem thêm: Văn phòng điện tử ​

Tòa soạn báo Thái Lan đã cho phép phóng viên làm việc online từ... cuối thế kỷ trước

Làm việc từ xa, thật ra không phải là một điều gì mới mẻ. Năm 1994, một nhóm nhà báo Việt Nam đã sang Bangkok (Thái Lan) thăm tòa soạn hai tờ báo Bangkok Post và The Nation. Từ khách sạn nằm trên đường Sukhumvit tới tòa soạn tờ báo thứ nhất, nằm ngoài ngoại ô, mất gần hai tiếng vì kẹt xe. Tới nơi, một nhà báo trong đoàn đặt câu hỏi: “Đường thì kẹt, tòa soạn ở tít ngoại ô, quý vị chịu sao thấu?”. Ông sếp tờ báo này trả lời: “Giá nhà đất trung tâm quá đắt, nên chúng tôi dọn ra tận đây để giảm chi phí. Do ở xa lại thêm nạn kẹt xe, nên tòa soạn chỉ gồm văn phòng của bộ phận trị sự cùng tòa soạn “tối hậu” của chúng tôi thôi. Các phóng viên không phải vô tòa soạn”. Năm đó, xứ ta chưa có Internet, thậm chí máy fax còn “loe hoe” và nhiêu khê phép tắc, nên câu hỏi thứ nhì phản ánh thực tế hiểu biết của người hỏi: “Phóng viên không vô tòa soạn vậy các ông làm việc ra sao?”. Câu trả lời của ông chủ tờ báo ấy phản ánh “tính thời đại” của xã hội Thái bấy giờ: “Phóng viên có máy tính, họ chỉ cần gửi bài vô, và bàn bạc từ xa với các trưởng ban của tờ báo. Chúng tôi có quy trình làm việc cùng chấm công”. Sau đó ông dắt tới coi ngân hàng dữ liệu của tờ báo, không chỉ để truy cập nội bộ mà còn để bán thông tin cho khách hàng. Hai tờ báo đó là tư nhân, nên họ phải tự chọn giải pháp đầu tư, quản trị như thế nào cho hiệu quả nhất và hợp thời nhất, chớ không thể “vung tay quá trán” hoặc “giậm chân tại chỗ” một cách phi-thời gian!

Sau chuyến đi đó, câu chuyện trên được viết lại và rơi vào quên lãng! Bản thân tờ báo tổ chức chuyến đi tham quan đó sau này cũng “xây nhà lầu” và quản lý phóng viên bằng cách đếm đầu người. Các tờ báo khác cũng lần lượt xây theo, càng về sau càng cao, càng lớn. Xây trụ sở cao hơn, to hơn, đẹp hơn đã trở thành một phong trào. Chẳng thể trách gì, bởi xứ ta vốn dĩ khác người trong quan niệm đầu tư, kinh doanh, sản xuất, quản trị xí nghiệp, quản lý nhân sự... nên đâu cần “làm việc từ xa”! Nhiều tòa soạn không dễ chấp nhận nguyên tắc làm việc “bài vô trước, người vô sau” hoặc không vô cũng được miễn sao phóng viên đến họp giao ban đầu tuần để nắm bắt tình hình và khí thế chung là đủ. Có ý kiến còn cho rằng kiểu làm báo từ xa, phóng viên ngồi nhà rồi cùng tòa soạn mở máy tính ra thảo luận, bàn chọn tin thời sự là quá “quan liêu”!

Từ câu chuyện trong làng báo, có thể lạm bàn qua một số lĩnh vực khác. Có những vị trí, công việc trong một số lĩnh vực không nhất thiết đòi hỏi phải “chấm công nhau” hàng ngày! Đó là vị trí nào, công việc nào, lĩnh vực nào thì mỗi tổ chức, doanh nghiệp đều có thể tự nhận định, không thể có chuyện “nhân rộng điển hình tiên tiến” một cách đại trà được. Ở đây thu hoạch “5 tấn” không có nghĩa là ở kia, với những điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn hoàn toàn khác cũng phải đạt cho được “5 tấn”! Bài học triết lý của thế kỷ này là không hề có một khuôn mẫu chung nào cho tất cả.

Thái, Nhật, Mỹ (đã có một số công sở làm việc ở nhà ngày thứ Sáu) và còn nhiều nước khác nữa đã cho nhân viên làm việc từ xa vì những lợi ích như truyền thông đã đưa tin trong thời gian gần đây. Những lợi ích đó cũng có thể có khi được áp dụng ở Việt Nam tùy vào điều kiện thuận lợi và thách thức của từng tổ chức, doanh nghiệp trong bối cảnh đặc điểm xã hội của chúng ta. Lợi ích lớn nhất của làm việc từ xa, trong đặc điểm Việt Nam hiện nay, tuy chưa bắt đầu trong thực tế, song cũng có thể là một ý tưởng để tham khảo bởi biết đâu sẽ từ đó mà từ bỏ tư duy và tập quán “ta xây trụ sở càng to, ta càng bản lãnh”! Theo đó, hy vọng một kết quả gián tiếp là nhiều địa phương sẽ bớt ngóng trông vào nguồn ngân sách, xem xứ nào còn cho vay... để xây trụ sở làm việc, nhờ đó mà sau này Nhà nước có thể giảm chi, có thêm nguồn tiền mà trả nợ nước ngoài vay mượn lâu nay. Nhắc như vậy để đừng quên, theo số liệu ước thực hiện ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm 2017 do Bộ Tài chính công bố trên trang web (www.mof.gov.vn) hôm 14-7, chi đầu tư phát triển là 91.400 tỉ đồng trong khi chi trả nợ gốc là 96.965 tỉ đồng! 

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Trụ sở Hà Nội
Số 11 Đặng Thùy Trâm - Hoàng Quốc Viêt - Cầu Giấy - Hà Nội.
Điện thoại: 04.37545222, FAX: 04.37545223
Chi nhánh TP.HCM
33A - Cửu Long - F.2 -Tân Bình - TP.HCM.
Điện thoại: 08.35470355. FAX: 08.35470356
Chi nhánh Đồng Nai
93/75 Đồng Khởi - Tân Phong - TP.Biên Hoà - Đồng Nai.
Điện thoại : 0618.871868, Fax: 0618.871866
Chi nhánh Đà Nẵng
36 Đào Duy Từ - Thanh Khê - TP.ĐÀ NẴNG.
Điện thoại : 0511.3868363, Fax: 0511.3868364
Chi nhánh Bình Dương
B4-08 Cao ốc BICONSI, Yersin - Thủ Dầu Một - Bình Dương.
Điện thoại : 0650.3848886, Fax: 0650.3848882
Tư vấn, hỗ trợ 24/7
1900 4767
2024 © Xây dựng bởi Công ty phát triển công nghệ Thái Sơn