Tháng 1/2013, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định 03/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, sử dụng hệ thống văn phòng điện tử trong hoạt động của các cơ quan, ban ngành trực thuộc. Đây là cột mốc quan trọng để Lạng Sơn hoàn thiện, tiến tới áp dụng rộng rãi mô hình chính quyền điện tử trong năm 2017.
Nằm trong hệ thống thông tin điện tử của tỉnh, phần mềm văn phòng điện tử Lạng Sơn là một phần đặc biệt quan trọng được thiết lập và do UBND tỉnh thống nhất quản lý. Tại đây, phần mềm văn phòng điện tử giữ các chức năng chính bao gồm: quản lý văn bản đi, đến; chuyển nhận hồ sơ, tài liệu; quản lý tài nguyên, quản lý lịch… Đồng thời, hệ thống này cũng được khai thác để phục vụ cho tất cả các công tác liên quan tới chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu… giữa các cơ quan cũng như trong từng nội bộ.
Với việc triển khai thành công văn phòng điện tử, Lạng Sơn đã từng bước hoàn thiện hệ thống, nền tảng CNTT để sẵn sàng cho việc áp dụng chính quyền điện tử trong năm 2017. Tính đến thời điểm hiện tại, hạ tầng CNTT của tỉnh cơ bản được đảm bảo. Tỷ lệ máy tính trên tổng số cán bộ, công chức của các cơ quan hành chính đạt hơn 90%. Hiện tại, 32 sở, ngành, huyện, thành phố đều có kết nối Internet tốc độ cao và hệ thống mạng LAN được xây dựng hoàn thiện.
Nông Phương Đông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lạng Sơn cho biết: mục tiêu của chính quyền điện tử Lạng Sơn là kết nối thông tin quản lý, điều hành từ tỉnh đến tận các xã, phường một cách chặt chẽ, nhanh chóng. Hiện hệ thống văn phòng điện tử đã được ứng dụng tại 100% sở, ban, ngành và các huyện, thành phố. Một số đơn vị như thành phố Lạng Sơn và các huyện: Chi Lăng, Tràng Định, Lộc Bình, Cao Lộc… còn đưa hệ thống này đến cấp xã. Hệ thống được ứng dụng hiệu quả, thực hiện tốt quy trình xử lý văn bản góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí văn phòng phẩm và bưu chính, nâng cao hiệu quả xử lý công vụ.
Về nguồn nhân lực, đến nay, trên 90% cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị hành chính trong tỉnh biết sử dụng thành thạo máy vi tính. Trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức qua đào tạo nghiệp vụ CNTT đạt khoảng 30% - 40%. Đầu năm 2016, 32 văn thư tại 21 sở, ngành và 11 huyện, thành phố đã được sử dụng chứng thư số, chữ ký số. Dự kiến năm 2016, tỉnh tiếp tục sử dụng 300 triệu đồng triển khai chữ ký số đến lãnh đạo các cơ quan, đơn vị hành chính.
Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính của tỉnh kiểm tra ứng dụng CNTT tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (Nguồn: moha.gov.vn)
Ông Phạm Tuấn Tú, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ Lạng Sơn cho biết: hằng năm qua kiểm tra ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị cho thấy cơ bản cán bộ, công chức từ lãnh đạo đến chuyên viên ứng dụng thành thạo máy vi tính và các phần mềm hệ thống, phần mềm chuyên ngành góp phần tạo môi trường làm việc hành chính ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Từ hạ tầng và việc triển khai ứng dụng CNTT cùng với nguồn nhân lực như đang có, Lạng Sơn đã có hơn 10 thủ tục hành chính công mức độ 3, trên 2.000 thủ tục hành chính được công khai trên mạng. Cùng đó, các hoạt động hành chính của các cấp chính quyền, chỉ đạo điều hành đều được minh bạch trước người dân, doanh nghiệp. Như vậy, Lạng Sơn đã có một nền tảng quan trọng nhằm đáp ứng được tiến độ thực hiện mô hình chính quyền điện tử trong thời gian tới.