Ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nâng cao hiệu quả và năng lực vận hành, tăng cường cung cấp dịch vụ kết nối, tương tác giữa doanh nghiệp, người dân và chính phủ là chủ trương được người dân, doanh nghiệp và cộng đồng hoan nghênh hưởng ứng.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, chủ trương này chưa đạt như kỳ vọng. Trước phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn vào hôm nay (17/11), nhiều cử tri bày tỏ mong muốn "tư lệnh ngành" có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để nâng cao hiệu quả của chủ trương cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Ảnh minh họa/KT.
Thực hiện “Chương trình Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước", nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã đổi mới quy trình ra quyết định, thực thi các chính sách, đảm bảo hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, hệ thống thông tin của các cơ quan hành chính chưa tương thích, kết nối với nhau cũng gây không ít khó khăn, phiền phức cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng.
Cử tri Trần Trọng Thành, quận Đống Đa, Hà Nội nêu ý kiến: "Tôi cho cải cách thủ tục hành chính đã có cải tiến. Tuy nhiên, có nhiều mô hình trong chính phủ điện tử có thể cải tiến. Ví dụ như lập nên một tài khoản nhưng có thể làm việc ở nhiều nơi. Chứ hiện nay, mỗi một cơ quan công quyền lại ra một trang web. Khi chuyển giao từ nơi này đến nơi kia là có vấn đề. Đối với doanh nghiệp cũng thế. Khi được thành lập, thì đăng ký ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, làm thủ tục ở Tổng cục thuế. Trong khi hai nơi này chưa có sự kết nối tốt với nhau".
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính phải gắn với chiến lược phát triển của mỗi địa phương. Cử tri Nguyễn Thành Phúc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng, ngoài việc tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, quản trị thông minh sẽ giúp công khai, minh bạch thông tin cho cả nhà quản lý và người dân.
"Thứ nhất là nâng cao hiệu quả hiệu lực của bản thân các cơ quan nhà nước. Thứ hai là đảm bảo công khai, minh bạch thông tin. Thứ ba là cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Với mục tiêu như vậy, thì quản trị thông minh trong cơ quan Nhà nước phải gắn với quá trình phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam" - cử tri Nguyễn Thành Phúc bày tỏ.
Theo cử tri Nguyễn Trọng Đường, quận Ba Đình (Hà Nội), cần chọn cách tiếp cận Chính phủ điện tử đi song hành với bảo đảm an toàn thông tin, nhất là trong bối cảnh các loại mã độc, phần mềm gián điệp, lỗ hổng bảo mật phát triển rất nhanh và thay đổi liên tục như hiện nay. Điều đó đòi hỏi các cơ quan, bộ, ngành, địa phương phải liên tục đào tạo, cập nhật, nâng cao năng lực, trình độ của lực lượng làm công nghệ thông tin cũng như trang thiết bị sử dụng:
Cử tri Nguyễn Trọng Đường chia sẻ: "Các cấp lãnh đạo, cán bộ địa phương phải ý thức được sự quan trọng của an toàn thông tin. Ý thức được sự cần thiết đầu tư cho lực lượng, đội ngũ ứng cứu sự cố, công cụ, những đơn vị chuyên nghiệp để giám sát, ứng cứu, cảnh báo... Tôi nghĩ cần cảnh báo đến các cấp lãnh đạo, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng phải có ý thức tốt hơn trong việc bảo đảm an toàn thông tin, nhất là phần mềm gián điệp, mã độc, mạng máy tính ma rất nguy hiểm. Nó ăn cắp thông tin của chúng ta hàng ngày, thậm chí biến máy của chúng ta thành công cụ để đi tấn công người khác".