Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động tự do. Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của hình thức bảo hiểm xã hội này trong xã hội hiện đại. Vậy, lợi ích của bảo hiểm xã hội tự nguyện và những điều người lao động cần biết khi tham gia BHXH tự nguyện là gì.
Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỗ dựa vững chắc cho người lao động tự do khi về già.
1. Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Bên cạnh đó Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện người lao động (NLĐ) nhận được rất nhiều lợi ích thông qua các chính sách hiện hành.
2. Lợi ích của tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất theo quy định. Cụ thể như sau:
Hưởng chế độ hưu trí:
Theo quy định hiện hành, người lao động đóng đủ 20 năm BHXH và đủ tuổi về hưu theo quy định thì được hưởng lương hưu:
Mức lương hưu được tính như sau:
Mức lương hưu hàng tháng = [Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng] x [Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH]
Căn cứ theo quy định tại Điều 74, Luật bảo hiểm xã hội 2014, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH (đối với nữ), 20 năm (đối với nam nghỉ hưu tương ứng từ năm 2021 trở đi), sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Đối với trường hợp nghỉ hưu khi suy giảm khả năng lao động, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Hưởng chế độ tử tuất:
Người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ tử tuất, khi chết người thân sẽ được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất theo quy định. Cụ thể:
Mức hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà NLĐ chết (tương đương với mức 14,9 triệu đồng năm 2021).
Mức hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở. Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở. Năm 2021, mức hưởng tương đương mức trợ cấp tuất hàng tháng cho mỗi thân nhân bằng 745.000 đồng/tháng; với thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng bằng 1.043.000 đồng/tháng.
Tham gia BHXH tự nguyện khi chết người thân sẽ được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất.
Hưởng các chính sách khác:
Bên cạnh việc nhận lương hưu hàng tháng và hưởng chế độ tử tuất thì NLĐ còn có các đặc quyền sau:
Được cấp thẻ bảo hiểm y tế, để khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế khi đang hưởng lương hưu.
Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với quỹ bảo hiểm xã hội.
Được Nhà nước hỗ trợ tối đa là 10 năm tiền đóng BHXH khi tham gia BHXH tự nguyện.
Hưởng BHXH một lần khi cần.
Như vậy, có rất nhiều các lợi ích của NLĐ khi tham gia BHXH tự nguyện ở thời điểm hiện tại. Trong thời gian tới số năm bắt buộc tham gia BHXH để hưởng lương hưu có thể được giảm đi để nhằm khuyến khích và bảo vệ quyền lợi cao hơn cho người tham gia BHXH. Đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở mức cao hơn.
Có thể bạn quan tâm: Phần mềm BHXH điện tử eBH Thái Sơn
2. Những điều người lao động tham gia BHXH cần biết
Có một số lưu ý đối với người tham gia BHXH tự nguyện mà NLĐ nên nắm được để bảo vệ lợi ích cho mình. Đồng thời chủ động trong việc đóng quỹ và tham gia BHXH tự nguyện.
Mức đóng BHXH tự nguyện:
Bên cạnh những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện thì NLĐ phải có trách nhiệm đóng BHXH. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Khoản 1, Điều 10, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP và hướng dẫn cụ thể tại Điều 9, Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH như sau:
Mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng được tính bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn.
Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (năm 2021 là 700.000 đồng), mức tối đa bằng 20 lần lương cơ sở theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (hiện mức lương cơ sở là 1 490.000 đồng nên mức tối đa thu nhập tháng đóng BHXH là 29.800.000 đồng).
Mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện:
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015, việc hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện cụ thể như sau:
Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng), cụ thể:
Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo (hiện nay là 46.200 đồng một tháng).
Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo (hiện nay là 38.500 đồng một tháng)
Bằng 10% đối với các đối tượng khác (hiện nay là 15.400 đồng một tháng).
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện:
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bao gồm công dân từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Căn cứ theo quy định tại Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 3, Quyết định 959/QĐ-BHXH, người tham gia có thể mua BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú (nơi tạm trú hoặc thường trú).
Phương thức đóng BHXH tự nguyện:
Theo quy định có tất cả 06 phương thức tham gia BHXH tự nguyện mà NLĐ có thể lựa chọn cho mình:
(1) Đóng hàng tháng;
(2) Đóng 3 tháng một lần;
(3) Đóng 6 tháng một lần;
(4) Đóng 12 tháng một lần;
(5) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần.
(6) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm.
Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm thì người tham gia tiếp tục đóng theo một trong 05 phương thức trên cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu (theo phương thức 6).
Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những phương thức hiệu quả giúp người lao động tự do có chỗ dựa vững chắc khi về già. Với nhiều lợi ích thiết thực BHXH góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
>>> Tin liên quan: Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2021