Theo dự thảo Luật Hành chính công, kiến trúc chính phủ điện tử là thiết kế tổng thể chính phủ điện tử nhằm quản lý, phát triển chính phủ điện tử thống nhất, tối ưu, hiệu quả, bảo đảm kết nối liên thông các hạ tầng thông tin, tránh trùng lặp.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh trình bày Dự thảo Luật Hành chính công (Ảnh: Thảo Anh)
Phát biểu tại hội thảo góp ý Dự án Luật Hành chính công vừa diễn ra, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng: “Vấn đề thủ tục hành chính đang là vấn đề nhức nhối và được dư luận xã hội quan tâm. Vì thế Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công cũng lựa chọn lĩnh vực này để bàn bạc và đưa ra những quy định cụ thể. Từ đó thủ tục hành chính phải quản lý hết sức chặt chẽ. Các cơ quan quản lý hành chính cần soi chiếu để luật về thủ tục hành chính ở các điều luật không bị vênh nhau, phải có những quy định chung nhất. Sau đó phải có sự kiểm soát, công khai thủ tục hành chính công và đánh giá vấn đề thủ tục hành chính công đạt những hiệu quả cụ thể như thế nào.”
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những hạn chế trong quản lý hành chính hiện nay. Ông Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp - cho biết: Bản chất của chính phủ điện tử là phương pháp, cách thức hoạt động của các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương sử dụng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền trong mối quan hệ với công dân, doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức khác, tạo sự minh bạch, công khai, thuận tiện, nâng cao hiệu quả quản lý, tiết giảm chi phí và hạn chế tham nhũng. Tuy nhiên, chính phủ điện tử chưa hoàn thành được sứ mệnh của mình và còn rất nhiều hạn chế.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng bày tỏ quan điểm tương đồng: “Cải cách hành chính mà không gắn với công nghệ thông tin thì rất khó khăn. Nhiều năm qua, cải cách hành chính tốn rất nhiều tiền. Từ năm 2001 đến nay, chương trình tổng thể cải cách hành chính rất tốn kém nhưng người dân vẫn kêu ca không cải cách triệt để. Vừa rồi chúng tôi đi khảo sát mới nhận ra được lỗ hổng và hạn chế. Đó là bởi vì mỗi bộ ngành hay địa phương ứng dụng công nghệ thông tin nhưng không liên kết với bộ ngành khác. Để người dân không cần mang giấy tờ đến các cơ quan nhà nước quá nhiều lần. Chúng ta đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Chúng tôi có các chuyên gia về công nghệ thông tin và đang xây dựng khung kiến trúc chính phủ điện tử, từ nay trở đi xây dựng hạ tầng dùng chung, có sự kết nối liên thông và đồng bộ”.
Theo dự thảo Luật Hành chính công, kiến trúc chính phủ điện tử là thiết kế tổng thể chính phủ điện tử nhằm quản lý, phát triển chính phủ điện tử thống nhất, tối ưu, hiệu quả, bảo đảm kết nối liên thông các hạ tầng thông tin, tránh trùng lặp. Kiến trúc chính phủ điện tử bao gồm khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh. Việc đầu tư, xây dựng chính phủ điện tử phải tuân thủ kiến trúc chính phủ điện tử.
“Lần này, chúng tôi đề xuất để đồng bộ quốc gia, chúng ta có mơ ước để việc làm thủ tục hành chính không phải mang một lô một lốc giấy tờ đến cơ quan hành chính mà chỉ cần một mã số định danh công dân để giải quyết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải chờ đợi hoàn thiện việc xây dựng cơ sỡ dữ liệu dân cư quốc gia vào năm 2020. Sau khi hoàn thành sẽ thực hiện các thủ tục hành chính tập trung, tiết kiệm” -đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho biết thêm.
(Theo Báo Lao Động)