Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều ngày 17/11/2017 (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn)
"Quan trọng hàng đầu là nhận thức của tất cả mọi người"
Nhận định việc xây dựng Chính phủ điện tử là 1 trong 3 vấn đề thuộc lĩnh vực TT&TT được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải nhìn thẳng vào một thực tế là chúng ta rất tích cực, rất cố gắng nhưng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc cũng chỉ được xếp đâu đó xung quanh thứ 80 - 90, có năm tụt xuống xếp thứ 113 trên thế giới. Cụ thể, cứ 2 năm Liên hợp quốc lại đánh giá một lần năm 2016 vừa qua, với nhiều nỗ lực Việt Nam đã tăng được 10 bậc nhưng hiện vẫn đứng thứ 89/193 quốc gia trên thế giới.
Liên hợp quốc đánh giá chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo 3 nhóm tiêu chí: hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực và dịch vụ công trực tuyến. Cả 3 nhóm tiêu chí này của Việt Nam, theo đánh giá của Phó Thủ tướng: “hiện vẫn còn nhiều hạn chế và cần phải làm tốt hơn”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tính đến tháng 7/2017, cả nước có 109.644 dịch vụ công, trong đó 95% nằm ở từ cấp tỉnh và các bộ là 5%. Mặc dù đã giao kế hoạch rất cụ thể nhưng đến tháng 7/2017 mới chỉ có 1% số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 (mức cao nhất có kèm theo thanh toán) và 5% ở mức độ 3 (người dân lấy mẫu trên mạng, khai và nộp online nhưng vẫn thanh toán trực tiếp).
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 4 của các bộ ít hơn và tùy vào tính chất công việc của các bộ mà có sự khác nhau. Ví dụ như, Bộ Tài chính có 943 dịch vụ công trực tuyến thì đã có tới 26% dịch vụ được cung cấp ở mức độ 4, Bộ KH&ĐT có 332 dịch vụ công trực tuyến thì có 2% dịch vụ mức 4; và cũng có bộ, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 rất nhỏ, thậm chí như Bộ LĐTB&XH chỉ có 0,4% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 4.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ, Thủ tướng đã rất quyết liệt, giao nhiệm vụ cho từng bộ phải ra được số liệu cụ thể về số dịch vụ công sẽ phải cung cấp ở mức độ 4 là bao nhiêu. Cấp độ 4 này không chỉ căn cứ vào CNTT mà liên quan đến cả thanh toán điện tử, hoá đơn điện tử và sẽ là thước đo tổng thể của cải cách hành chính”.
Nhấn mạnh quan điểm CNTT chỉ là công cụ phục vụ cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng cho rằng, điều đầu tiên chúng ta cần làm là phải xác định một quyết tâm, nhiệm vụ chính trị rất cụ thể là phải ứng dụng CNTT để xây dựng Chính phủ điện tử. Theo Phó Thủ tướng, đây không chỉ là vấn đề biên chế, không chỉ là việc tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp mà quan trọng hơn hết là công khai, minh bạch, chống tiêu cực, chống tham nhũng.
Phó Thủ tướng cũng thông tin với Quốc hội và các cử tri: “Rất mừng là vừa qua, chỉ số môi trường cạnh tranh của Việt Nam đã tăng được 14 bậc - mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó có 2 chỉ số có tính quyết định là thuế và bảo hiểm. Bảo hiểm tăng tới 81 bậc, từ thứ 187 xuống còn thứ 86 bởi vì Bảo hiểm xã hội trong 3 năm vừa qua đã làm được hệ thống CNTT quản lý. Chỉ số tiết kiệm điện năng chúng ta cũng đã tăng được 32 bậc, vì Điện lực trong mấy năm qua đã xây dựng được hệ thống SCADA - điều hành hệ thống lưới điện. Qua đó đã cho thấy tầm quan trọng của ứng dụng CNTT”.
Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ, điều quan trọng hàng đầu là nhận thức của tất cả mọi người, thường là phải vượt qua tâm lý ngại dùng công nghệ hiện đại sẽ làm mất quyền kiểm soát bộ máy, công việc. Cái ngại nữa là một bộ phận ngại công khai, minh bạch, nếu ứng dụng CNTT vào điều hành, sẽ làm mình bị giám sát.
Đối với bộ phận kỹ thuật, theo Phó Thủ tướng, cần khắc phục tâm lý cục bộ, không chịu liên thông, chia sẻ dữ liệu; cũng như tâm lý muốn tự mình làm hết, từ mua máy tính đến phần mềm khi triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
“Chính phủ từ 2 năm nay đã rất quyết liệt, đầu tiên là khuyến khích, tới đây sẽ bắt buộc phải thuê dịch vụ CNTT khi triển khai dịch vụ công trực tuyến. Thuê các đơn vị chuyên nghiệp làm, từ đó sẽ có cơ sở dữ liệu. Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quyết liệt, yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải báo cáo cụ thể, công khai đã làm được bao nhiêu dịch vụ công trực tuyến trong một năm. Việc này chúng ta cần phải quyết liệt hơn nữa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hầu hết bộ, ngành đều đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao
Trước đó, cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội vào ngày 17/11/2017, trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, trong những năm qua việc thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ, hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Chính phủ được đẩy mạnh. Các bộ, ngành đã tăng cường đẩy mạnh ứng dụng CNTT.
“Một số lĩnh vực như như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội đã mang lại hiệu quả cao. Các ngành, lĩnh vực thuộc các bộ, ngành khác cũng đã mang lại nhiều kết quả khả quan trong việc cung cấp thông tin và giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân và phục vụ doanh nghiệp. Đây phải nói là kết quả rất đáng khích lệ của việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính cũng như xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, để tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử, các ngành, các cấp đã vào cuộc và đã đạt được nhiều kết quả (Ảnh: quochoi.vn)
Về ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng cho hay, thời gian qua, các bộ, ngành đều đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao giúp cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) hiệu quả hơn, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.
Cụ thể, thống kê cho thấy, đến nay các bộ, ngành đã cung cấp hơn 900 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. “Nếu như cách đây khoảng hơn 1 năm, hầu hết chỉ cung cấp dịch vụ công ở mức độ 1, mức độ 2 thì đến giờ hầu hết các bộ, ngành đều đã cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4”, Bộ trưởng chia sẻ.
Cùng với đó, nhiều tỉnh, thành phố cũng cung cấp dịch vụ công ở mức độ 1 đến mức độ 4. Theo thống kê của Bộ TT&TT, khoảng hơn 14.000 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 được các tỉnh ứng dụng. Thông qua dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp đã giảm được nhiều thời gian trong thực hiện các TTHC.
Một số dịch vụ công ở mức độ 3, 4 đem lại hiệu quả cao, như tôi nêu là ngoài lĩnh vực hải quan, thuế thì còn có trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến bảo hiểm xã hội Việt Nam và trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến của các ngành. Ngay như ngành Ngoại giao cũng có trên 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến; Bộ KH&ĐT có gần 500.000 hồ sơ trực tuyến; và Bộ Tư pháp có gần 300.000 hồ sơ trực tuyến.
Ngoài các TTHC đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, còn lại hầu hết các TTHC đều có thể cung cấp thông tin, mẫu biểu hồ sơ liên quan trên mạng để người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu, tải xuống để chuẩn bị trước khi thực hiện các TTHC (đạt mức độ 1, mức độ 2).
Khẳng định để tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử, các ngành, các cấp đã vào cuộc và đã đạt được nhiều kết quả, song Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đang còn một số tồn tại. Đó là việc triển khai các DVCTT của một số bộ, ngành hạn chế nhất định, điển hình là một số dịch vụ công trực tuyến triển khai nhưng chưa phát sinh hồ sơ, như các đại biểu vừa nêu; có những dịch vụ công trực tuyến chỉ phục vụ công tác văn thư lưu trữ, chưa đưa vào ứng dụng, chưa phát sinh hồ sơ thực hiện; việc sử dụng hệ thống
phần mềm lưu trữ văn bản,
phần mềm quản lý tài liệu điều hành tại nhiều nơi chưa mang lại hiệu quả cao, chưa thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo điều hành; một số hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu nền tảng để phát triển Chính phủ điện tử cũng chậm được triển khai…