Nhiều việc cần làm nếu muốn nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử
Xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2016 đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, để nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử lên thứ 80 trong năm 2017 và những năm tiếp theo thì còn rất nhiều việc phải làm.
>> Xem thêm: phần mềm quản lý tài liệu, Cloudoffice thái sơn
Toàn cảnh Hội thảo
Ngày 6-10, tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức ở Lào Cai, Phó Chủ nhiệm VPCP, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin Lê Mạnh Hà cho rằng, các địa phương tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 36a/NĐ-CP về Chính phủ điện tử thì sẽ đạt được bước tiến rất quan trọng xây dựng Chính quyền điện tử.
Ông Lê Mạnh Hà cho biết, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành liên thông hệ thống văn bản điện tử với VPCP; gần 70 bộ, cơ quan, tỉnh, thành phố công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng TTĐT Chính phủ. VPCP đang xây dựng tiêu chí cụ thể về công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, nếu công khai tốt thì sẽ góp phần tích cực cải cách hành chính. Phó Chủ nhiệm VPCP đề nghị các địa phương tích cực triển khai các ứng dụng này.
"Nghị quyết 36a/NQ-CP có liên hệ chặt chẽ với Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết 35/NQ-CP yêu cầu các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP, trong đó phải có chuyên mục hỗ trợ doanh nghiệp, công khai kết quả giải quyết, kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp lên trang thông tin điện tử của tỉnh, thành phố. Làm được việc này là một phần thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử", ông Lê Mạnh Hà nói.
Ông Lê Mạnh Hà khẳng định, Chính quyền điện tử là xu thế tất yếu và đang được triển khai mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0 áp dụng cho các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tế tại nước ta còn gặp nhiều khó khăn do Khung kiến trúc hiện tại mới là mô hình tổng thể, chưa làm rõ cách thức triển khai cụ thể về các yếu tố như xây dựng kiến trúc và nguồn lực, quy chuẩn dịch vụ mạng, quy chuẩn các dịch vụ dùng chung; chưa có đặc tả tiêu chuẩn kỹ thuật cho dịch vụ chia sẻ, kết nối liên thông trao đổi dữ liệu; chính sách thiếu đồng bộ dẫn đến việc triển khai còn nhiều bất cập.
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận về trục tích hợp ứng dụng cho mô hình cung cấp dịch vụ công; hạ tầng trung tâm dữ liệu hướng ứng dụng; giải pháp nguồn cho Trung tâm dữ liệu; giải pháp ảo hóa, điện toán đám mây cho Trung tâm tích hợp dữ liệu; phương thức NetApp hỗ trợ xây dựng nền tảng thông minh cho Chính quyền điện tử. Các đại biểu cũng cho rằng, việc ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2016 đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử lên thứ 80 trong năm 2017 và những năm tiếp theo thì còn rất nhiều việc phải làm.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo ra cơ hội mà còn nhiều thách thức mới trong ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp cần quyết tâm cao độ hơn nữa trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ công ở mức cao, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong công tác phục vụ dân sinh song hành với việc xây dựng thành phố thông minh, bảo đảm an ninh bảo mật.
Tham dự Hội thảo, còn có lãnh đạo của 17 tỉnh, thành phố; đại diện một số cơ quan, tập đoàn công nghệ thông tin và quản lý thông tin - truyền thông, chuyên gia về công nghệ thông tin trong toàn quốc.
(Theo Báo Nhân Dân)